Trong Tam Quốc diễn nghĩa Trận Giang Lăng (208–209)

Trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung gọi Giang Lăng – thủ huyện của Nam Quận là "thành Nam Quận"; thành Công An huyện Sàn Lăng là nơi đóng bản doanh của Lưu Bị từ sau trận Xích Bích đến trước khi mượn được "Kinh châu thuộc Ngô" (tức Giang Lăng) thì La Quán Trung gọi là "thành Kinh châu"; còn Tương Dương vốn cũng thuộc Nam quận, là trị sở Kinh châu thời Lưu Biểu, tới khi Tào Tháo chiếm cũng dùng làm trị sở Kinh châu (thuộc Ngụy), La Quán Trung vẫn gọi là "Tương Dương".

Chiến dịch Giang Lăng trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa được La Quán Trung mô tả rất ly kỳ, với nhiều trận xung đột giữa hai bên. Tào NhânChu Du giao tranh khổ chiến khiến cả hai bên đều bị thiệt hại.

Chu Du bị trúng tên của Tào Nhân, lại phao tin mình chết để Tào Nhân đến cướp trại. Khi quân Tào đến nơi, Chu Du đổ binh ra đánh khiến quân Tào thua to, Tào Nhân phải rút chạy về phía bắc. La Quán Trung muốn quy công lao chiếm thành cho phe Lưu Bị, nên hư cấu việc Gia Cát Lượng dùng kế "nẫng tay trên" của Chu Du trong việc chiếm Nam Quận (Giang Lăng). Trong lúc Tào Nhân mang quân đi cướp trại Chu Du thì Khổng Minh đã sai Triệu Vân mang kỳ binh đánh úp Nam Quận (Giang Lăng). Chu Du đánh bại được Tào Nhân rồi định đến chiếm thành thì Triệu Vân đã đứng trên thành tuyên bố thành thuộc về Lưu Bị.

Chu Du bực tức bèn quay sang "đánh Kinh châu" (Công An) nhưng thành này cũng bị Gia Cát Lượng nẫng tay trên bằng cách lấy binh phù của Tào Nhân điều quân Tào ở đây đi cứu Nam Quận rồi đánh úp.

Hơn nữa, La Quán Trung còn hư cấu việc Khổng Minh thừa cơ chiếm luôn cả thành Tương Dương. Khổng Minh bắt được thủ hạ của Tào Nhân là Trần Kiều, lại dùng binh phù sai người chạy đến Tương Dương, giả làm quân Tào Nhân cầu cứu, Hạ Hầu Đôn bèn mang quân ra khỏi Tương Dương đi cứu Tào Nhân, thì Quan Vân Trường lại mang quân tới đánh úp luôn Tương Dương (trên thực tế là Tương Dương còn trong tay Tào Nhân mãi đến sau này).

Trong khi Chu Du khổ chiến cả năm không thu được kết quả gì thì Lưu Bị không mất nhiều công sức lại đoạt được 3 trọng trấn của Kinh châu. Điều đó khiến Chu Du uất ức, vỡ vết thương ngã lăn ra. Sự việc này được gọi là "chọc tức Chu Du lần đầu".